Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Cơ chế hoạt động của các giải đấu giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam

Cơ chế hoạt động của các giải đấu
giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam


Trước khi tìm hiểu cơ chế hoạt động của các giải đấu giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam chúng ta cần hiểu được rằng, đối với các giải đấu hàng đầu thế giới như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp…việc các cầu thủ thi đấu nhiệt tình, trung thực; cơ quan điều hành giải nghiêm minh, công tâm; trọng tài khách quan, công bằng chủ yếu dựa trên ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp của cầu thủ, trọng tài và các cơ quan liên quan. Để xây dựng được ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp đó các quốc gia trên đã phải mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá, hầu như tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống các quốc gia đó đã hình thành ý thức tự giác, tính chuyên nghiệp của người dân ở từng lĩnh vực. Chính vì vậy, đối với bóng đá Việt Nam, trong tương quan với các lĩnh vực còn lại của xã hội, hầu như chúng ta chưa có ý thức tự giác và tính chuyên nghiệp. Vậy một cơ chế hoạt động của giải đấu, để vận hành mà giải quyết được tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam, chắc chắn nó phải khác so với cơ chế hoạt động trước đây của bóng đá Việt Nam, đồng thời nó cũng phải khác so với cơ chế hoạt động của các quốc gia hàng đầu mà chúng ta hay tham chiếu và tham khảo. Chúng ta cần phải xác định rõ điều này trước khi xây dựng cơ chế hoạt động của các giải đấu nếu không sẽ rơi vào tình trạng “chỉ muốn được mà không muốn mất”. Điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu của bóng đá Việt Nam (như: các cầu thủ thi đấu nhiệt tình, trung thực; trọng tài công tâm, nghiêm minh; các CLB không  mắc ngoặc hay đi đêm…) nhưng chúng ta lại không muốn mất đi một điều gì đó, ví dụ như: cơ chế giải đấu không bình thường; quá nhiều CLB lên, xuống hạng…
Trên tinh thần có được, có mất tôi xin trình bày cơ chế hoạt động của các giải đấu bóng đá giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam
I – Cơ chế tranh giải
1. Đối với giải Vô địch quốc gia: chúng ta có 14 câu lạc bộ tham gia, sau một mùa giải sẽ có 6 câu lạc bộ xuống hạng, 8 câu lạc bộ ở lại. Giải thưởng cho ngôi Vô địch quốc gia là 10 tỷ đồng, giải nhì 5 tỷ đồng và giải ba 2 tỷ đồng.
2. Giải Hạng Nhất: có 14 CLB tham gia, sau một mùa giải 6 CLB lên giải Vô địch thi đấu, 4 CLB xuống hạng nhì thi đấu và 4 CLB trụ hạng.
3. Giải hạng Nhì và các hạng đấu còn lại: số CLB lên hạng là 4, số CLB xuống hạng cũng là 4.
II – Chế độ Lương, Thưởng của cầu thủ
1.                    Có sự phân biệt lớn về chế độ lương của các cầu thủ ở những giải đấu khác nhau. Ví dụ: Lương tháng của các cầu thủ giải Vô địch quốc gia tối đa 50 triệu đồng/tháng, hoặc không giới hạn. Nhưng đối với giải hạng Nhất, mức trần Lương tháng cầu thủ là 25 triệu đồng. Mức trần lương tháng cầu thủ giải hạng Nhì là 15 triệu đồng/tháng…
2.                    Tất cả các khoản thưởng của CLB cho cầu thủ phải được xác định theo kết quả xếp hạng của CLB cuối mùa giải. Và chỉ có cuối mùa giải cầu thủ mới được nhận tiền thưởng của CLB. Ví dụ, câu lạc bộ A muốn động viên cầu thủ trong trận đấu ở vòng đấu thứ 7, ngoài việc CLB thắng trận đấu đó, các cầu thủ sẽ nhận được số tiền thưởng theo vị trí xếp hạng của CLB ở cuối mùa giải, chẳng hạn CLB trụ hạng đứng ở vị trí thứ 5 sẽ được thưởng 1tỷ đồng (trận đấu vòng 7), được thưởng 800 triệu nếu đứng thứ 6, được thưởng 600 triệu nếu đứng thứ 7, và 400 triệu nếu đứng thứ 8 …Vì có nhiều CLB xuống hạng cho nên các CLB xuống hạng vẫn có thưởng cho cầu thủ nhiệt tình thi đấu theo thứ hạng, ví dụ xếp thứ 9 thưởng 500 triệu, thứ 10 thưởng 400 triệu, thứ 11 thưởng 300 triệu…vv..
3.                    Các cầu thủ được tự do chuyển đổi CLB trong cùng giải đấu và từ giải đấu cao xuống giải đấu thấp hơn. Trường hợp chuyển từ giải đấu thấp hơn lên giải đấu cao hơn cần phải có thời gian bù đắp 1 năm việc tham gia đưa CLB xuống hạng. Ví dụ, cầu thủ A của câu lạc bộ B ở giải Vô địch quốc gia, câu lạc bộ B xuống hạng, cầu thủ A phải thi đấu 1 năm cho câu lạc bộ B ở giải hạng nhất, sau đó mới được phép chuyển đến CLB mới của giải Vô địch quốc gia dù cho câu lạc bộ B có lên hạng, trụ hạng hay xuống hạng.
III – Chế độ thù lao và sử dụng trọng tài
1.     Trọng tài người Việt Nam chúng ta chỉ tham gia công tác trọng tài từ vòng đấu đầu tiên đến hết vòng đấu 23.
2.     Ba vòng đấu cuối cùng (vòng 24-25-26) chúng ta thuê trọng tài người nước ngoài. Và để cho khách quan hơn nữa, mỗi vòng đấu chúng ta thuê trọng tài của một nước, ví dụ, vòng 24 trọng tài người Đức, vòng 25 trọng tài người Italia, vòng 26 trọng tài người Anh.
3.      Trọng tài không có thù lao cố định. Mỗi trận đấu trọng tài được đánh giá theo thang điểm từ 1-10 tương ứng với số tiền mà trọng tài có thể nhận là từ 1 đến 10 triệu đồng. Nếu trọng tài bắt tốt sẽ được nhận số tiền từ 8-9 thậm chí 10 triệu đồng. Nếu bắt không tốt sẽ chỉ nhận được 1-2 triệu đồng, nếu để vỡ trận do lỗi chuyên môn thì sẽ  bị phạt tiền.
4.     Sẽ có một giám sát trọng tài chịu trách nhiệm đánh giá công khai và chấm điểm trọng tài ngay sau trận đấu. Biên bản đánh giá và chấm điểm công khai phải nêu rõ những mặt được và chưa được trong công tác trọng tài và tại sao lại chấm số điểm đó cho trọng tài. Qua biên bản công khai đó, dư luận cũng sẽ biết được trình độ cũng như sự công tâm của giám sát trọng tài, từ đó sẽ có hướng ứng xử thích hợp.
Với cơ chế hoạt động của các giải đấu bóng đá nêu trên, bóng đá Việt nam sẽ có những chuyển biến tích cực, có thể nói là cách mạng trên các khía cạnh sau đây:
-                      Tất cả các giải đấu sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, sôi động từ  đầu đến cuối giải. Có thể nói, mỗi trận đấu của từng giải đấu gần như là một trận chung kết đối với mỗi câu lạc bộ. Với số lượng các CLB lên hạng, xuống hạng nhiều như vậy sẽ tạo ra động lực mới cho các CLB, các nhà đầu tư bóng đá ở các giải đấu từ thấp đến cao.
-                      Các cầu thủ bắt buộc phải thi đấu trung thực, nhiệt tình bỡi lẽ nếu CLB xuống hạng, ngay lập tức thu nhập hàng tháng của các cầu thủ sẽ bị giảm do mức trần thu nhập của giải đấu hạng dưới thấp hơn hạng trên. Đồng thời, các khoản thưởng của CLB sẽ căn cứ vào thành tích, bảng xếp hạng cuối cùng của CLB cuối mùa giải. Và chỉ có nỗ lực trong suốt cả mùa giải, các cầu thủ mới bảo đảm được mức thu nhập như mong muốn.
-                      Các câu lạc bộ sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để trụ hạng hoặc để đoạt được thứ hạng cao hơn với các mức thưởng chênh lệch rất lớn. Sẽ không còn chuyện nhường điểm, mắc ngoặc hoặc đi đêm do quyền lợi sát sườn của từng đội bóng.
-                      Vấn nạn trọng tài được giải quyết dứt điểm: thứ nhất, trước vòng đấu thứ 24, những vòng đấu mà các trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ, sẽ chưa có CLB nào biết được số phận của đội bóng mình ra sao, nên gần như chắc chắn sẽ không có CLB nào lại bỏ tiền của, công sức đi mua trọng tài (bởi sau khi mua cũng không biết chắc số phận CLB của mình sẽ ra sao). Điều này cũng đúng đối với những tác động (nếu có) của VFF hoặc sắp tới là VPF. Thứ hai, do trọng tài không còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các CLB, từ cơ quan chủ quản họ sẽ cố gắng công tâm với nỗ lực cao nhất về chuyên môn để hy vọng có thu nhập cao nhất từ  mỗi trận đấu. Thứ ba, từ vòng đấu thứ 24 đến hết giải, tức là ba vòng đấu cuối, với các trọng tài người nước ngoài, được giữ bí mật về sự phân công tới phút cuối cùng, các CLB cũng rất khó tiếp cận để tác động tới kết quả trận đấu theo hướng có lợi cho CLB của mình.
-                      Một điều đặc biệt là khi áp dụng cơ chế này thì tất cả mọi người sẽ được giải thoát về tư tưởng, tức là không ai còn phải băn khoăn, lo lắng về việc làm thế nào để các cầu thủ thi đấu trung thực, nhiệt tình, chuyên nghiệp; làm thế nào để các CLB không còn quan hệ tiêu cực trong giải đấu; làm thế nào để các trọng tài nghiêm minh, công tâm và khách quan. Bản thân cơ chế hoạt động này của các giải đấu sẽ tự hoàn thiện tính chuyên nghiệp của cầu thủ, trọng tài, các CLB và các bộ phận có liên quan.
Trên đây là những nét cơ bản nhất về cơ chế hoạt động của các giải đấu khắc phục tận gốc các vấn nạn của bóng đá VN (tất cả các con số chỉ có tính chất tham khảo). Đương nhiên, không có một cơ chế nào, đề án nào có thể giải quyết được 100% các vấn nạn. Song, nếu sử dụng cơ chế trên, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm rằng những mục tiêu tốt đẹp nhất của bóng đá Việt Nam sẽ được thực hiện ở mức cao nhất có thể trong tình hình của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Sẽ có nhiều người, hoặc các CLB phản đối vì số lượng CLB phải xuống hạng quá nhiều. Tuy nhiên, rất mong những người hoặc các CLB phản đối cơ chế này xem lại mục tiêu, mục đích của bóng đá Việt Nam. Đó là, các cầu thủ thi đấu trung thực, nhiệt tình, trọng tài thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan, các CLB không mắc ngoặc, đi đêm và không có sự tác động của cơ quản lý và điều hành bóng đá vào các trận đấu và giải đấu. Từ đó sẽ kéo khán giả đến sân bóng ngày càng nhiều hơn. Vậy khi mục đích của bóng đá Việt Nam đã đạt được, việc có một số lượng nhiều hơn bình thường các CLB xuống hạng (và đồng thời số lượng lớn các CLB lên hạng) có còn quan trọng hay không. Và, chúng ta cần phải nhớ thật kỹ một điều: “chúng ta không thể chỉ có được mà không có mất”, vấn đề là được gì và mất gì?./.
                                           
                                                   Hà Nội, ngày 14/10/2011

                                                            Trần Bình

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Bóng đá Việt nam: Thay đổi bộ máy và cách thức điều hành V-League là chưa đủ!




Bóng đá Việt nam: Thay đổi bộ máy và cách thức
 điều hành V-League là chưa đủ!


Chúng ta vừa chứng kiến những thay đổi có tính lịch sử diễn ra trong mấy tuần qua của bóng đá Việt nam. Đây là niềm vui chung của tất cả những người quan tâm tới môn thể thao vua sau khi đã chứng kiến những bất cập, yếu kém của giải Vô địch quốc gia và những giải đấu khác. Những thay đổi vừa qua sẽ nhanh chóng chuyển thành cuộc cách mạng và sẽ đạt được những thành tựu vĩ đại nếu như chúng ta mạnh dạn tiến thêm một bước nữa: thay đổi cơ chế hoạt động của các giải đấu.
Để giải thích điều này, chúng ta cần biết rằng việc cải tổ bộ máy và cách thức điều hành của giải Vô địch quốc gia chỉ là một trong số những việc cần thực hiện để bóng đá Việt nam phát triển, và đó chưa phải là việc quan trọng nhất. Chúng ta sẽ đối chiếu những thay đổi vừa qua với mục tiêu, mục đích của bóng đá Việt Nam và của các giải đấu cũng như đối chiếu với những vấn nạn của bóng đá Việt nam gặp phải sẽ thấy nhận định này là hoàn toàn chính xác.
Mục tiêu, mục đích của bóng đá Việt nam
-  Các cầu thủ thi đấu nhiệt tình trung thực trong từng trận đấu và trong suốt giải đấu;
-  Các câu lạc bộ tham gia cuộc chơi sòng phẳng, sạch, không tiêu cực, mắc ngoặc và đi đêm;
-  Các trọng tài thực hiện nhiệm vụ một cách công tâm, khách quan và nghiêm minh trong từng trận đấu và toàn bộ giải đấu;
-  Cơ quan chủ quản (trước đây là VFF) không thể có tác động tiêu cực vào các trận đấu và giải đấu theo mong muốn chủ quan của mình, ví dụ cứu CLB này, dìm CLB kia…
Mục đích cuối cùng của giải đấu và bóng đá Việt Nam là kéo được khán giả đến sân bóng ngày một đông hơn.

Những vấn nạn bóng đá Việt Nam đang gặp phải:
-  Tính thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ: đây là vấn đề đau đầu nhất cho các ông bầu, huấn luyện viên, các nhà tổ chức , khán giả. Việc các cầu thủ chưa có tính chuyên nghiệp, lúc thi đấu nhiệt tình, lúc chây ỳ (thích thì đá chết bỏ để đánh bóng thương hiệu, do ghét đối thủ, được thưởng cao…khi thì ỳ ra vì bất mãn với huấn luyện viên, được thưởng ít, hoặc có cảm tình với đối thủ…) là bài toán hóc búa nhất đối với bất cứ đề án nào, giải pháp nào của bóng đá Việt nam.
-  Vấn nạn trọng tài: không cần nói nhiều chúng ta đều đã biết các vị vua áo đen đã có những thành tích gì trong bóng đá Việt nam. Nguyên nhân vấn nạn trọng tài có nhiều: thu nhập thấp, chuyên môn hạn chế, sức ép từ VFF, từ hội đồng trọng tài…
-  Sự tác động của VFF: thực chất  những tác động của VFF vào giải đấu là có. Bằng những cách khác nhau, VFF đã có tác động tới một số ít các trận đấu, hoặc những ưu ái cho một vài câu lạc bộ nào đó.. Tuy nhiên, sự can thiệp này cũng rất khó xác định và cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay. Đương nhiên, việc điều hành giải đấu theo cách thức vừa qua hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu của các câu lạc bộ, khán giả và bóng đá Việt Nam nói chung.
-  Sự mắc ngoặc, đi đêm giữa các câu lạc bộ. Cũng giống như sự can thiệp tác động của VFF vào giải đấu, việc các câu lạc bộ có những “mối quan hệ” hoặc “tình cảm” với nhau là có thực. Tuy nhiên so với thời kỳ trước đây khi các CLB còn trong cơ chế bao cấp đã đỡ đi rất nhiều. Đồng thời cũng rất khó điểm mặt, chỉ tên trong những việc như thế này. Bản thân sự tác động của VFF, cũng như sự đi đêm của các CLB thực ra cũng không nhiều, nhưng nó lại chỉ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm (và đôi khi diễn ra lộ liễu quá) thành ra hậu quả của nó ảnh hưởng khá lớn đến những CLB khác và tác động tâm lý rất tiêu cực.
Như vậy, đề án cải tổ bộ máy và phương thức điều hành giải vô địch quốc gia bằng Công ty cổ phần tổ chức sự kiện PVF chỉ giải quyết được một vấn nạn (tác động tiêu cực của VFF vào giải đấu) và một phần vấn nạn trọng tài (sức ép từ VFF, từ Hội đồng trọng tài).
Vậy làm thế nào để các cầu thủ thi đấu nhiệt tình, trung thực trong từng trận đấu và suốt giải đấu? làm thế nào để các câu lạc bộ không đi đêm với nhau? Làm thế nào để các trọng tài thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan?...
Theo suy nghĩ của tôi, chúng ta cần tìm ra cơ chế hoạt động của giải đấu để làm sao các cầu thủ bắt buộc phải thi đấu trung thực, các câu lạc bộ không muốnkhông cần đi đêm, các trọng tài bắt buộc phải phân xử   công tâm, khách quan và nghiêm minh trong lỗ lực chuyên môn cao nhất. Và chắc chắn PVF sắp tới cũng không thể tác động tới kết quả của các trận đấu. Tóm lại, đó là một cơ chế mà các cá nhân và các thành phần tham gia không còn muốn thực hiện những hành vi tiêu cực nữa và có muốn cũng không làm được.
Xin xem tiếp bài 2: 
Cơ chế hoạt động của các giải đấu giải quyết tận gốc
các vấn nạn của bóng đá Việt Nam

Hà Nội, ngày 04/10/2011
Trần Bình

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Amy Chua – Mẹ Hổ: thất bại ngay từ vạch xuất phát!



Amy Chua – Mẹ Hổ: thất bại ngay từ vạch xuất phát!


Cuộc tranh luận về một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa với phương pháp giáo dục con hà khắc theo kiểu châu Á, nhưng đã đạt được những thành tích cao trong học tập là một cuộc tranh luận thú vị. Thú vị ở chỗ từ phương pháp giáo dục con của một cá nhân, có thể suy luận đến những đề tài lớn hơn như “giấc mơ Mỹ” hoặc việc so sánh giữa Trung Quốc và Mỹ. Đồng thời, cuộc tranh luận cũng củng cố một nhận định: kiến thức không đồng nghĩa với tri thức, bằng cấp cao và nhiều không đồng nghĩa với hiểu biết. Quan điểm của tôi về vấn đề này như sau.
Mẹ Hổ (biểu hiện trong việc dạy con) là một điển hình trong việc nhầm lẫn về “giấc mơ Mỹ”. Giấc mơ Mỹ thực chất là giấc mơ tự do. Nói rằng bản thân Amy Chua là một điển hình thành công của giấc mơ Mỹ là hoàn toàn sai. Đó là một thất bại có tính điển hình. Bằng cấp cao, lương cao, nhà đắt giá chỉ là kết quả, hệ quả của giấc mơ Mỹ. Đối với người Mỹ bản địa, các thế hệ trước của họ sống trong tự do, bản thân họ sống trong tự do thì bằng cấp cao, lương cao, nhà đắt giá đơn thuần chỉ là cố gắng vươn lên của họ. Còn giấc mơ Mỹ chủ yếu đặt ra với các quốc gia đang phát triển và những người nhập cư ở Mỹ. Như vậy, đối với những người nhập cư ở Mỹ, sống trong một môi trường tự do, thì việc hòa nhập, thay đổi tâm lý, tính cách để có được suy nghĩ tự do, ứng xử tự do và tính cách tự do phải là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu bỏ qua việc này, chỉ tập trung để có bằng cấp cao, lương cao, nhà đắt giá thì dù có đạt được những kết quả này, những con người đó cũng chưa trưởng thành về tư duy, tâm lý và nhân cách.
Quyền trẻ em là một thành tựu vĩ đại của đất nước và nhân dân Mỹ. Cùng với quyền con người, sở hữu trí tuệ,.. quyền trẻ em là một trong số ít các phát kiến và thành tựu lớn nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử. Có thể hiểu điều này trên các khía cạnh sau:
-                     Quyền trẻ em là cơ sở xây dựng ý thức tôn trọng bản thân và tính độc lập đối với mỗi cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Quá trình trưởng thành của cá nhân đồng thời với quá trình nhận thức tôn trọng bản thân chính là tôn trọng người khác, tính độc lập đồng nghĩa với việc tự chịu trách nhiệm trước các hành động của bản thân. Đây chính là cơ sở để một xã hội phát triển lành mạnh và bền vững.
-                     Quyền trẻ em là cơ sở xây dựng ý thức về quyền tự do của con người từ nhỏ, đồng thời là cơ sở để rèn luyện khả năng bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân từ thủa thiếu thời. Như vậy, quyền trẻ em là một yếu tố quan trọng vun đắp thể chế dân chủ trong xã hội Mỹ.
-                     Quyền trẻ em là cơ sở để phát hiện và nuôi dưỡng ước mơ, niềm đam mê của mỗi một cá nhân. Trong môi trường giáo dục toàn diện của Hoa kỳ, trẻ em được tiếp cận không chỉ là kiến thức sách vở, mà còn các lĩnh vực khác như thể dục, thể thao, các loại hình nghệ thuật… Nhờ có quyền trẻ em, những đứa trẻ được tiếp cận toàn diện các lĩnh vực từ đó phát hiện ra năng khiếu và niềm đam mê của mình. Và cũng nhờ quyền trẻ em, nhiều đứa trẻ đã giữ được và nuôi dưỡng niềm đam mê cho tới khi trưởng thành và có thể cả cuộc đời. Chính từ những niềm đam mê được nuôi dưỡng này, sự sáng tạo đã được nảy sinh và sáng tạo chính là hạt nhân của phát triển.
Amy Chua thất bại ngay từ vạch xuất phát bởi vì hoặc bà không nhận thức được đâu là ý nghĩa đích thực của “giấc mơ Mỹ’ hoặc là bà và gia đình hiểu được nhưng không đủ can đảm để đi theo. Để dễ hiểu và dễ phân tích, tôi tạm gọi những người Mỹ bản địa có căn tính (tính cách cơ bản, truyền thống) tự do, còn những người Á Đông mà Amy Chua đại diện có căn tính phục tùng. Xuất phát điểm để thực hiện “giấc mơ Mỹ” là sự nhận thức việc cần thiết phải thay đổi căn tính từ phục tùng sang tự do. Đó là một quá trình “lột xác” cực kỳ khó khăn, gian khổ mà chắc chắn phải mấy thế hệ liên tục thực hiện một cách có ý thức mới thành công được. Bỏ qua giai đoạn này, gia đình Amy Chua đã chọn cách thức dễ dàng là duy trì căn tính phục tùng để nhắm tới mục tiêu là vẻ bề ngoài, hệ quả của “giấc mơ Mỹ’. Như vậy, dù Amy Chua và gia đình không nhận ra giá trị đích thực của “giấc mơ Mỹ” hoặc nhận ra giá trị đích thực của nó nhưng vẫn lựa chọn con đường dễ dàng để đi theo vẻ bề ngoài của giấc mơ Mỹ thì Amy Chua và gia đình cũng thất bại ngay từ vạch xuất phát!
Mở rộng ra, việc so sánh giữa Trung Quốc và Mỹ là hoàn toàn không thể, dưới bất kỳ khía cạnh nào. Đối với quốc gia, vấn đề phương thức tổ chức xã hội là quan trọng nhất, thì Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn không có điểm chung để so sánh vì một bên là độc tài toàn trị, một bên là Dân chủ. Còn vấn đề kinh tế cũng vậy, một đằng là nền kinh tế thị trường sơ khai, nhà nước chi phối và là thị trường mới nổi nên được đầu tư nhiều hơn còn một bên là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, kinh tế tư nhân là chủ thể, phát triển bền vững thì không thể so sánh với nhau được. Một khi cách thức tạo ra của cải vật chất đã không giống nhau, tại sao còn so sánh số lượng vật chất được làm ra bởi hai cách thức khác nhau đó.
Còn nhận định mẹ Hổ đang dạy lũ Hổ con để chúng thống trị thế giới - có thể - với điều kiện bắt buộc: từ bỏ căn tính phục tùng!



                                                                Hà nội, ngày 11.4.11

                                                             Trần Bình




Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Chuyện cầu thủ ngoại


Chuyện cầu thủ ngoại


Trong thời gian gần đây, có khá nhiều ý kiến được đặt ra trên các diễn đàn bình luận về bóng đá, vấn đề về sử dụng cầu thủ ngoại ở V- League nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung. Có một nhận xét là, dường như đang có một sự mâu thuẫn, không rõ ràng trong cách nhìn nhận và đánh giá về vấn đề này. Thực vậy, trong cùng một tờ báo, thậm chí trong cùng một bài báo, vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại vừa được đánh giá là yếu tố tích cực, thúc đẩy nền bóng đá, nâng tầm “Vi-lít”… thì lại cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng cầu thủ ngoại cản trở việc phát triển cầu thủ nội, làm thiệt hại cho nền bóng đá….và một số ý kiến còn đặt vấn đề học tập Malaysia tạm ngăn hàng ngoại để cứu hàng nội (phát triển bóng đá trẻ, cầu thủ nội).
Toàn bộ những băn khoăn, mâu thuẫn trong việc nhìn nhận, đánh giá việc sử dụng cầu thủ ngoại nêu trên là thực tế. Nếu chúng ta đặt vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại trên những góc cạnh, lăng kính khác nhau, phân biệt rạch ròi, chúng ta sẽ thấy được vấn đề hoàn toàn không có gì phải băn khoăn, thắc mắc hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng cầu thủ ngoại của nền bóng đá Việt Nam.
Trước hết, dưới góc độ xu hướng, quy luật. Việc sử dụng cầu thủ ngoại cho các giải thi đấu bóng đá quốc gia là xu hướng chung, là quy luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới (trừ Bắc Triều Tiên, mới đây là Mã Lai và có thể một vài quốc gia khác). Quy luật về sử dụng cầu thủ ngoại cũng nằm trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa chung của thế giới. Như vậy, chúng ta không nên bàn luận và trao đổi, hay tranh luận gì về vấn đề có nên hay không nên sử dụng cầu thủ ngoại cho giải bóng đá vô địch quốc gia nói riêng và nền bóng đá nói chung nữa. Không sử dụng là đi ngược quy luật – mà hậu quả của việc đi ngược quy luật thì người Việt Nam chúng ta đã quá thấm thía, không chỉ trong lĩnh vực thể thao và bóng đá.
Như vậy, vấn đề đặt ra là sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào? Việc sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào cần căn cứ vào hai yếu tố chính: 1- mục tiêu của nền bóng đá Việt Nam và 2- khắc phục các yếu tố tiêu cực phát sinh từ cách thức sử dụng cầu thủ ngoại trong thời gian đã qua (từ khi bóng đá Việt Nam sử dụng cầu thủ ngoại cho đến nay). Cần nhấn mạnh một điều là, việc sử dụng cầu thủ ngoại cần đáp ứng, giải quyết cùng một lúc hai vấn đề nêu trên.
Mục tiêu của nền bóng đá Việt Nam: có lẽ không ai trong chúng ta, là người Việt Nam lại không mong muốn đội tuyển bóng đá nước nhà được thi đấu và chiến thắng trong giải đấu cấp châu lục và thế giới. Nhưng cũng không ai trong chúng ta lại tin rằng, đội tuyển Việt Nam, nếu chỉ với những cầu thủ bản xứ, trên nền một giải vô địch quốc gia sử dụng hạn chế cầu thủ nước ngoài, có thể tham gia tranh tài tại giải đấu đỉnh cao châu lục và thế giới trong tương lai gần 10-20 năm.
Việc sử dụng cầu thủ ngoại trong giai đoạn vừa qua đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Nhưng trước hết chúng ta phải loại bỏ suy nghĩ cầu thủ ngoại chiếm chỗ cầu thủ nội, ảnh hưởng đến sự phát triển của cầu thủ nội, đến đào tạo bóng đá trẻ. Trước đây, nền bóng đá của chúng ta khi chưa có các cầu thủ ngoại rất hạn chế, kém phát triển thì chúng ta mới mở cửa cho các cầu thủ ngoại tham gia, cả giải đấu của chúng ta đã được nâng tầm (giải bóng hay nhất Đông Nam Á), cả nền bóng đá của chúng ta có sinh lực và động lực mới. Bản thân các cầu thủ nội của chúng ta cũng có dịp cọ sát, học hỏi nâng cao trình độ….vậy nên chúng ta không nên nói rằng cầu thủ ngoại chiếm chỗ cầu thủ nội, ảnh hưởng đến sự phát triển cầu thủ nội và bóng đá trẻ. Tuy nhiên, cách sử dụng cầu thủ ngoại hiện nay đã nảy sinh hai vấn đề tiêu cực. Do số lượng người ít (đăng ký 4 cầu thủ, sử dụng tối đa 3 cầu thủ), nhưng lại có vai trò quyết định sức mạnh của đội bóng, nên số cầu thủ ngoại này được câu lạc bộ đối xử đặc biệt, dẫn tới sự phân biệt đối xử quá lớn giữa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại. Đồng thời, vì là của quý hiếm nên các cầu thủ ngoại dễ phát sinh bệnh ngôi sao, ảnh hưởng tới trạng thái bình thường của câu lạc bộ và cả nền bóng đá. Vấn đề đặt ra là, chúng ta thừa nhận vai trò to lớn của cầu thủ ngoại đối với câu lạc bộ, nhưng cách thức sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào để không gây ra sự phân biệt đối xử quá lớn giữa cầu thủ trong và ngoài nước, và ngăn chặn xu hướng phát sinh bệnh ngôi sao của cầu thủ ngoại.  
Để giải quyết cùng một lúc hai yêu cầu cơ bản nêu trên, chúng ta cần có sự đột phá trong tư duy, dẫn tới đột phá trong giải pháp. Đó là việc sử dụng tối đa cầu thủ ngoại cho các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt – công thức 6+5 (sáu cầu thủ nội, mang dòng máu Việt Nam và năm cầu thủ nước ngoài).
Với sự đột phá này, chúng ta hy vọng, việc sử dụng 5 cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam, cùng với nỗ lực vượt bậc của nền bóng đá nước nhà, chúng ta có thể tham gia sân chơi châu lục, và nhất là sân chơi thế giới sau 10-20 năm nữa. Đồng thời đối với cấp độ câu lạc bộ, việc cho phép đăng ký tối đa 10 cầu thủ ngoại, và sử dụng tối đa 5 cầu thủ trong một trận bóng sẽ giải quyết tận gốc rễ những tiêu cực phát sinh trong cách sử dụng cầu thủ ngoại hiện nay.
Để thực hiện có hiệu quả việc sử dụng tối đa cầu thủ ngoại như vậy thì cần có những nỗ lực gì từ phía các cầu thủ người Việt Nam, của các câu lạc bộ và nền bóng đá của chúng ta nói chung? Đồng thời, hệ quả của việc sử dụng tối đa cầu thủ ngoại sẽ như thế nào đối với bóng đá Việt Nam, chúng tôi sẽ phân tích trong bài tiếp theo ./.

Hà nội, ngày 23/02/2011
Trần Bình
                               Địa chỉ: phòng 406, nhà 1c, ngách 71, ngõ Gốc   Đề, phố Minh Khai, Hà Nội
Điện thoại:  0987 572 847